Cần có "quy ước hành xử" Quỹ_đầu_tư_quốc_gia

Trong bối cảnh nhiều công ty có thể bị phá sản nếu không "xoay" được nguồn tài chính mới, sự giàu có của các SWF luôn khiến nhiều người thèm muốn. Một số người không ngần ngại gán cho các SWF mỹ danh "cứu tinh". Chẳng hạn, phát biểu trên tờ New York Times số ra ngày 21-8-2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ lúc đó là ông Henry M.Pausol đã khẳng định: "Tôi không thích gì hơn việc có thể kiếm thêm tiền từ các quỹ đó".

Nhưng việc xem các SWF như những cứu tinh của hệ thống tài chính phương Tây đang được phóng đại bởi hoạt động đầu tư của SWF vào các định chế tài chính phương Tây ngày càng ít đi, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Giai đoạn này, cùng với các nhà đầu tư toàn cầu, SWF chứng kiến sự tụt giảm 20-30% giá trị thị trường trong các khoản đầu tư. Và thực tế cũng chứng minh trong giai đoạn 2007-2009, các SWF hầu như không đóng vai trò gì trong việc cứu thế giới thoát khỏi khủng hoảng tài chính.

Dù vậy, sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của các SWF trong năm 2010 vẫn là đề tài gây tranh cãi ở Bắc Mỹ và châu Âu. Thậm chí có những đề xuất cần có những quy định riêng cho các hoạt động đầu tư của SWF. Chẳng hạn Hoa Kỳ thúc đẩy IMF và Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra một "quy ước hành xử" cho các SWF, trong đó có việc bắt buộc các quỹ này phải công bố phương thức đầu tư và cam kết không can thiệp vào chính trị của nước họ đầu tư.